KIẾP SAU
Với Kiếp sau, ta được gặp lại một Marc Levy trầm tĩnh, lịch lãm và hòa hoa. Đọc Kiếp sau, nhiều người hiểu rằng tại sao Marc Levy lại có sức hút mãnh liệt đến vậy tại Pháp cũng như trên toàn thế giới

Nhà xuất bản

Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn

Tác giả

Marc Levy

Dịch Giả

Nguyễn Hương Lan

Số trang

296

           Kiếp sau được tạp chí Paris Match ngợi ca là một Romeo và Juliet của hôm nay. Chàng Romeo hiện đại có tên Jonathan - một nhà phê bình hội họa danh tiếng, người say mê những tác phẩm của Vladimir Radskin như một định mệnh, và Juliet là Clara - chủ phòng tranh tại London, người được thừa kế biệt thự nơi Radskin đã sống và sáng tác cuối đời. Hai con người, hai miền đất, hai số phận đã được kết nối bằng bức tranh huyền thoại Thiếu nữ áo đỏ của Radskin. Trên hành trình đi tìm giá trị thực cho bức tranh, cả hai đã dần khám phá ra những bí ẩn về thân phận của mỗi người, về một tình yêu mãnh liệt và trắc trở từ nhiều kiếp trước. Câu chuyện kết thúc, lãng mạn và đau đớn như mối tình của Romeo và Juliet năm xưa, Jonathan đã chọn cái chết để được ở gần Clara, và để nuôi dưỡng một tình yêu bất tử, điều sẽ khiến họ thuộc về nhau mãi mãi ở kiếp sau.

           Một cốt truyện hấp dẫn có sự hòa trộn của nhiều yếu tố: tâm linh, trinh thám, lãng mạn. Một lối viết không dụng đến những ẩn dụ khó hiểu. Một môtip đậm chất cổ tích. Có lẽ, những yếu tố ấy đã làm nên sự thành công cho Kiếp sau. Người ta khó có thể tìm thấy ở đây sự cách tân độc đáo nào về mặt nghệ thuật, thay vào đó, cảm xúc mãnh liệt là điểm mạnh trong sáng tác của Marc Levy nói chung, Kiếp sau nói riêng. Văn học ngày nay đang dần xa những mối tình kiểu Romeo - Juliet (Romeo và Juliet) hay Heathcliff - Catherine Earnshaw (Đồi gió hú), điều đó khiến người đọc cũng dần quên những mơ mộng về một tình yêu bất tử. Marc Levy, bằng sự mẫn cảm đặc biệt, đã biến những mơ mộng bị lãng quên ấy thành hiện thực trong cuốn tiểu thuyết của mình. Hơn cả sự say đắm thường thấy, tình yêu của Jonathan và Clara như một sự sắp đặt của vận mệnh, họ là của nhau, họ thuộc về nhau, họ sinh ra cho nhau, chết vì nhau, và tái sinh vĩnh viễn để tìm nhau. Điều đó giản dị và thiêng liêng như hơi thở, như sự sống.

           Để khẳng định sức mạnh tình yêu giữa Jonathan và Clara, Marc Levy đã đặt hai nhân vật ở giới hạn cuối cùng của đời người: cái chết. Và một lần nữa, ông khiến độc giả ngỡ ngàng xúc động vì sự bất lực của cái chết trước mối tình bất tử: "Em có tin rằng người ta yêu nhau tới mức cái chết cũng không xóa được ký ức không? Em có tin rằng tình cảm sẽ tồn tại vĩnh cửu và mang lại sự sống cho con người không? Em có tin rằng thời gian có thể mãi mãi tái hợp những người yêu nhau mãnh liệt đến độ không bao giờ mất nhau? Em có tin điều đó không, Clara?". Hai nhân vật của Marc Levy đã sống hết mình cho niềm tin ấy từ kiếp này qua kiếp khác, họ giúp độc giả nhận ra rằng: mạnh hơn cả lòng hận thù, mạnh hơn cả cái chết, nguồn năng lượng hồi sinh những linh hồn, đó là tình yêu mãnh liệt.

           Với Kiếp sau, ta được gặp lại một Marc Levy trầm tĩnh, lịch lãm và hòa hoa, nhà văn đã khiến nhiều độc giả Việt Nam rung động qua tiểu thuyết được xuất bản cách đây không lâu Nếu em không phải giấc mơ. Đọc Kiếp sau, nhiều người hiểu rằng tại sao Marc Levy lại có sức hút mãnh liệt đến vậy tại Pháp cũng như trên toàn thế giới, và Nếu em không phải giấc mơ cũng như Kiếp sau chỉ là bước khởi đầu ấn tượng cho sự xuất hiện của Marc Levy tại Việt Nam.