Văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người

          Chiều 21/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo "Văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người" dưới sự chủ trì của bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện và ông Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.

         Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Văn hóa và Thể thao; Thư viện Quốc gia Việt Nam; các thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện một số Bộ ngành, thư viện Đại học và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thư viện, xuất bản...

                 

                      Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà.

        Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: "Văn hóa đọc giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên con người toàn diện, có trí tuệ, có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức không ngừng để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.

       Năm 2017, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là dấu mốc rất quan trọng, buộc tất cả chúng ta phải nhìn nhận lại về vai trò của văn hóa đọc trong cuộc sống hiện đại và trong việc hình thành nên một con người toàn diện. Hy vọng thông qua Hội thảo này, chúng ta sẽ xem xét đánh giá lại một cách đầy đủ về thực trạng và những vấn đề cần phải giải quyết để văn hóa đọc sẽ được phát huy trong việc hình thành và phát triển con người Việt Nam toàn diện có đủ đức, đủ tài".

                 

                                     Quang cảnh Hội thảo.

        Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi và thảo luận xoay quanh các vấn đề: xác định vai trò của văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người; kinh nghiệm xây dựng phong trào đọc và biện pháp sử dụng dịch vụ gắn với phát triển văn hóa đọc; xác định các giải pháp cụ thể để phát huy vai trò của văn hóa đọc nói chung và thư viện nói riêng trong việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển con người Việt Nam toàn diện. Trong đó có thể kể đến một số tham luận như: Vai trò sách, báo, thư viện trong việc hình thành tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách của bạn đọc thủ đô; Một số kinh nghiệm xây dựng phong trào đọc, tác động tới việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người trong môi trường quân đội; Kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động đọc sách góp phần hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp; Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ - hướng đến phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; Phát huy vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong tình hình mới hiện nay;…

            Những tham góp trên sẽ cung cấp thông tin rất quan trọng giúp các nhà quản lý có những định hướng toàn diện, hiệu quả nhằm trấn hứng văn hóa đọc; đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của ngành thư viện, góp phần giúp người dân có điều kiện tiếp cận tới tri thức, thông tin một cách dễ dàng và không bị giới hạn.                                                                                                                                                   Hằng Đinh

  (Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/van-hoa-doc-voi-viec-hinh-thanh-von-tri-thuc-ky-nang-song-va-phat-trien-nhan-cach-con-nguoi-20201021164630813.htm)